Phỏng vấn 101: Cẩm nang chuẩn bị Job Interview cho người mới bắt đầu
Có thể khi đi phỏng vấn bạn sẽ không được hỏi 100% những câu bạn đã chuẩn bị, nhưng nếu bạn chuẩn bị đầy đủ các bước trên, chắc chắn sẽ giúp bạn tự tin hơn để trả lời các câu hỏi hóc búa của nhà tuyển dụng.
Bất kể bạn đang ứng tuyển cho một vị trí tình nguyện viên, cho một câu lạc bộ trong trường, một công việc part-time hay full-time, bạn cũng sẽ cần chuẩn bị cho bản thân những kiến thức cơ bản nhất để có thể thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn.
Vậy để giúp bạn có một chiến lược chuẩn bị tốt nhất cho buổi phỏng vấn xin việc của mình, bài viết này mình sẽ liệt kê các bước cơ bản cần chuẩn bị để có một buổi phỏng vấn trơn tru và thành công.
Trước 1 tuần: Tập trả lời các câu hỏi mẫu
Trong khoảng thời gian 1 tuần trước buổi phỏng vấn, bạn nên dành thời gian mỗi ngày để trả lời các câu hỏi mẫu thông dụng như giới thiệu về bản thân, tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này hay sở thích của bạn là gì. Bạn có thể nhờ một người bạn hoặc đăng ký dịch vụ phỏng vấn thử để kiểm tra khả năng của bạn. Ví dụ như bạn trông có tự tin hay không, body language của bạn có tốt không, bạn cứ um um nhiều không. Hoặc nếu không tìm được ai để hỗ trợ, bạn có thể tự quay video của bản thân và xem lại để rút kinh nghiệm.
Sau khi đã trả lời đầy đủ cơ bản những câu hỏi cơ bản, bạn có thể tập trả lời những câu hỏi khó hơn là những câu hỏi tình huống.
Cuối cùng, bạn nên tự chuẩn bị cho mình từ 3-5 câu hỏi để hỏi lại nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Những câu hỏi này có thể về định hướng của công ty, về vị trí bạn làm việc hoặc về văn hoá làm việc của công ty.
Có thể khi đi phỏng vấn bạn sẽ không được hỏi 100% những câu bạn đã chuẩn bị, nhưng nếu bạn chuẩn bị đầy đủ các bước trên, chắc chắn sẽ giúp bạn tự tin hơn để trả lời các câu hỏi hóc búa của nhà tuyển dụng.
Buổi tối trước khi đi phỏng vấn
Chuẩn bị đầy đủ quần áo, in CV, business card nếu có để sẵn sàng tất cả vào ngày mai trước khi đi phỏng vấn. Quần áo nên formal hoặc semi-formal tuỳ thuộc vào văn hoá công ty. Bạn nên tìm hiểu về văn hoá công ty trên Facebook hoặc Instagram trước khi quyết định mặc như thế nào. Ví dụ phỏng vấn ngân hàng mà mặc quần jean áo phông là không ổn rồi, hay phỏng vấn agency sáng tạo mà mặc như thanh niên đa cấp thì hơi ghê. Bạn nên đăng ký khoá học ăn mặc đẹp trước khi đi phỏng vấn để có thêm kiến thức về ăn mặc.
Trước khi đi phỏng vấn, hãy dành thêm thời gian để tìm hiểu thêm về công ty. Bạn có thể tìm hiểu thông tin của công ty bằng cách vào website, xem cấu trúc công ty, xem vision, mission, tìm Facebook, Instagram của công ty, search tên công ty trên Google xem báo chí đang nói gì về công ty đó.
Cuối cùng, hãy dành thời gian đọc kĩ lại job description một lần nữa. Hãy chắc chắn bạn nhớ rõ những công việc cần làm của vị trí đó, những kĩ năng mà vị trí đó đòi hỏi để không bị hớ khi nói chuyện với nhà tuyển dụng.
Vào ngày phỏng vấn
Hãy căn giờ thật chuẩn để bạn đến phỏng vấn đúng giờ, tốt nhất là nên sớm hơn khoảng 5-10 phút, không cần thiết phải đến sớm quá trước 30 phút hoặc 1 tiếng. Trước khi lên đường đi phỏng vấn, hãy tự hỏi lại mình những câu hỏi sau:
Bạn đã biết rõ về format của buổi phỏng vấn chưa? Bạn sẽ phỏng vấn với 1 người hay 3 người, bạn đã biết rõ tên nhà tuyển dụng chưa.
Bạn đã ăn uống đầy đủ trước khi đi phỏng vấn chưa? Đừng để đến khi đang phỏng vấn bụng lại đói hoặc bỗng dưng đau bụng nhé.
Bạn đã chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần mang chưa: sổ, bút, CV in ra.
Bạn đã tìm đường đi rõ ràng chưa? Để tránh lạc đường hoặc tắc đường đến muộn.
Trong lúc phỏng vấn: Hãy là chính mình!
Nếu bạn đã chuẩn bị đầy đủ các bước trên, đây là lúc quyết định sự thành bài của bạn. Hãy tự tin bước vào phòng phỏng vấn, mỉm cười với nhà tuyển dụng và dành cho họ một cái bắt tay chắc chắn.
Thành thật với bản thân là chiến lược tốt nhất của bạn trong buổi phỏng vấn. Có thể bạn không biết hết 100% những kiến thức nhà tuyển dụng hỏi trong buổi phỏng vấn, nhưng đừng cố gắng hạ thấp mình, hãy tìm cách làm nổi bật những điểm mạnh bạn có, những điểm mạnh của bạn có liên quan đến công việc mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
Cuối cùng: Gửi Thank-You Letter sau buổi phỏng vấn
Sau buổi phỏng vấn, dù bạn thể hiện tốt hay không, bạn cũng nên thể hiện sự lịch sự bằng cách gửi cho nhà tuyển dụng một email cảm ơn. Email cảm ơn nên ngắn gọn, xúc tích, tóm tắt lại được buổi phỏng vấn, kĩ năng của bạn và trả lời những câu hỏi nếu có của nhà tuyển dụng sau buổi phỏng vấn.
Leave a Reply