Cách viết kinh nghiệm ‘không liên quan’ thành liên quan trong CV
Ví dụ nhé, một bạn từng kinh doanh shop quần áo online vẫn có thể ứng tuyển cho vị trí Marketing được. Vì trong quá trình kinh doanh shop online thì bạn có quản lý kênh Facebook này, viết bài lên các forum này, vân vân – đấy chính là digital marketing rồi đó. Vậy nên có thể công việc bạn đã làm không liên quan trực tiếp đến vị trí mà bạn ứng tuyển, nhưng kiểu gì cũng có chi tiết nhỏ nhặt nào trong đó có liên quan đó. Nên phải biết nhặt nhạnh nhé.
Có rất nhiều trường hợp khi chúng ta không có đủ kinh nghiệm liên quan cho một công việc nào đó nhưng vẫn muốn ứng tuyển cho vị trí đó. Ví dụ sinh viên học tài chính mà muốn ứng tuyển Marketing chẳng hạn? Hay một bạn đã đi làm Kiểm toán 2-3 năm một ngày đẹp trời bỗng thấy chán và muốn nhảy sang làm lĩnh vực quảng cáo chẳng hạn. Tất cả những trường hợp này đều rơi vào một câu hỏi rất khó khi viết CV đấy là: Không có kinh nghiệm liên quan thì viết cái gì vào CV bây giờ.
Nhưng anh chị em đừng lo, việc gì cũng có cách giải quyết cả. Mình từng làm Marketing, từng làm trong agency, từng làm trong hãng phim, làm trong giáo dục – và rất nhiều công việc trong số đó mình bắt đầu khi mà chưa có kinh nghiệm gì. Có một số chiến thuật và cách viết bạn có thể áp dụng để viết vào CV nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm liên quan đến công việc mà bạn dự định ứng tuyển. Có 5 bước đấy là:
1. Nhớ đọc kĩ Job Description
Việc này là đương nhiên đấy. Nhưng mình thấy bây giờ có nhiều bạn bỏ qua bước này. Trước khi muốn biết mình có thể viết được gì vào trong CV thì bạn phải hiểu rõ xem nhà tuyển dụng đang cần gì đã.
Việc bạn cần làm là đọc lại hoặc in ra Job Description và đọc thật kĩ từng câu từng chữ trong đó. Có 2 phần rất quan trọng để bạn đọc trong Job Description đấy là công việc bạn cần làm và kĩ năng mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Bạn cần phải đọc kĩ từng dòng ở 2 phần này, sau đó tự liệt kê ra giấy xem với mỗi dòng đó thì nhà tuyển dụng đang đòi hỏi gì từ chúng ta nhé.
2. Phân tích kĩ những công việc mình đã làm
Sau khi bạn đã đọc và phân tích kĩ Job Description của nhà tuyển dụng rồi, bây giờ là lúc bạn cần ngồi và xem lại kinh nghiệm của chính bản thân mình. Bạn đã làm những công việc nào, vị trí gì rồi, trong công việc/ vị trí đó thì bạn đã làm cụ thể những gì?
Khi nghĩ về kinh nghiệm đã làm, thường thì chúng ta sẽ ngồi liệt kê ra một vài gạch đầu dòng trong công việc đó chúng ta đã làm những gì. Nhưng nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc các kinh nghiệm hiện tại chưa có liên quan đến công việc ứng tuyển thì khi liệt kê các gạch đầu dòng trong CV, bạn đừng lúc nào cũng để ý những đầu việc to. Phải tập nhìn vào các project, các dự án nho nhỏ mình đã làm trong đó, công việc hằng ngày mình làm là gì, cho dù rất nhỏ nhưng biết đâu bạn vẫn có những thứ liên quan đến công việc mà bạn ứng tuyển.
Ví dụ nhé, một bạn từng kinh doanh shop quần áo online vẫn có thể ứng tuyển cho vị trí Marketing được. Vì trong quá trình kinh doanh shop online thì bạn có quản lý kênh Facebook này, viết bài lên các forum này, vân vân – đấy chính là digital marketing rồi đó. Vậy nên có thể công việc bạn đã làm không liên quan trực tiếp đến vị trí mà bạn ứng tuyển, nhưng kiểu gì cũng có chi tiết nhỏ nhặt nào trong đó có liên quan đó. Nên phải biết nhặt nhạnh nhé.
3. Tập trung vào vấn đề và kết quả
Trong CV thì cần viết gì nhỉ? Tất nhiên là các kĩ năng mà chúng ta có và kinh nghiệm làm việc trước đây rồi. Tuy nhiên thay vì liệt kê các đầu việc giống như bạn đang copy lại y nguyên một cái Job Description, thì các gạch đầu dòng công việc của bạn nên nhấn mạnh vào kết quả của công việc bạn đã làm.
Công việc nào cũng có kết quả hết, vậy nên mỗi gạch đầu dòng công việc bạn hãy cố đưa vào một con số nhé. Ví dụ bạn gặp gỡ đối tác thì cụ thể là bao nhiêu đối tác, bạn quản lý fanpage thì fanpage đó có bao nhiêu like, bạn làm trong CLB thì cụ thể CLB đó có bao nhiêu thành viên?
Khi nhìn vào các con số trong CV, nhà tuyển dụng sẽ có ấn tượng hơn và dễ mường tượng hơn đến công việc của bạn đó.
4. Thay đổi lại cấu trúc CV cho sáng tạo hơn
Vì chúng ta còn ít kinh nghiệm hoặc kinh nghiệm chưa liên quan, nên chúng ta phải đầu tư sáng tạo hơn về cách trình bày CV. Mình thì mình không khuyến khích các bạn phải thiết kế CV màu mè, sáng tạo làm gì cả, cứ giữ basic dễ nhìn là được rồi. Các bạn có thể sáng tạo hơn bằng cách sắp xếp lại các đề mục hoặc có một số mục lạ hơn trong CV mà các bạn khác có thể không có.
Ví dụ thay vì viết “Work Experience” rồi đến “Extracurricular Activities” một cách khô khan thì bạn có thể sắp xếp lại thành “Relevant Experience” là các kinh nghiệm liên quan và “Additional Experience” là các kinh nghiệm khác chẳng hạn. Ngoài ra thay vì viết Skills ở tít tận đâu đâu với vài Skills chẳng ai để ý, bạn có thể chuyển phần Skills lên ngay đầu trang với một list khoảng 5-6 skills nổi bật của bạn để gây chú ý hơn.
5. CV chỉ đưa các thông tin ‘liên quan’ và ‘nổi bật’
Có một điều các bạn nên nhớ là, CV không phải là nơi liệt kê tất tần tật những kĩ năng bạn có hay kinh nghiệm mà bạn đã làm. Thay vào đó trong 1-2 trang, bạn chỉ chọn ra các chi tiết, các project, các skills, sở thích có liên quan nhất đến công việc mà bạn ứng tuyển thôi.
Ví dụ nếu bạn đang ứng tuyển cho một vị trí cần làm việc với khách hàng nhiều, thì một kinh nghiệm liên quan đến sale hoặc phục vụ nhà hàng cho vào CV sẽ hợp lý và liên quan hơn là kinh nghiệm đi gia sư ở đâu đó đấy.
Đương nhiên là nếu còn thiếu kinh nghiệm thì việc viết CV như thế nào cho liên quan chắc chắn không phải là dễ. Tuy nhiên nếu bạn muốn tăng cơ hội cho bản thân, bắt buộc bạn phải dành thời gian và dùng một trong các tips trên để CV trông liên quan hơn.
Mục đích cuối cùng của CV cũng chỉ là giúp cho bạn được gọi đến phỏng vấn chứ chưa giúp bạn có việc luôn. Nên hãy cố gắng viết như thế nào để nhà tuyển dụng dễ đọc và thấy được các thông tin liên quan nhất nhé.
Leave a Reply