Những cách để tạo sự khác biệt trong buổi phỏng vấn
Đối thủ của công ty đó là ai? Sản phẩm nào đang hot trên thị trường? Liệu có scandal nào đang ảnh hưởng tới công ty không?
Sau khi đã xuất sắc vượt qua vòng CV, đây là lúc chúng mình bắt đầu cho một vòng tuyển dụng khó khăn hơn – vòng phỏng vấn. Trung bình một công ty nhỏ-vừa sẽ phỏng vấn khoảng 3-10+ bạn và sau đó chỉ chọn ra 1-2 ứng viên phù hợp nhất. Vậy phải làm thế nào để chúng mình có thể khác biệt với những ứng viên khác đây? Bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn 3 khía cạnh chúng mình nên quan tâm và đầu tư thời gian chuẩn bị trước mỗi buổi phỏng vấn.
Câu hỏi số 1: Why you are the right candidate for this job?
Câu hỏi này tương tự với những câu như “What are your strengths?” and “Why should we hire you?”. Với câu hỏi này, trước tiên chúng mình nên cho nhà tuyển dụng biết vì sao bạn biết đến vị trí này. Bạn được một người bạn giới thiệu, bạn thích sản phẩm của công ty hay bạn thích văn hoá của công ty chẳng hạn.
Tiếp theo đó, bạn nên liệt kê được ít nhất 3 kĩ năng hoặc kinh nghiệm bạn tự hào nhất và bạn cho rằng phù hợp nhất với vị trí bạn đang ứng tuyển. Đừng chỉ liệt kê không, sau mỗi chi tiết liệt kê, hãy giải thích rõ vì sao bạn nghĩ rằng kĩ năng – kinh nghiệm đó có thể giúp ích được cho công ty. Ví dụ kinh nghiệm làm việc lâu năm giúp bạn không mất thời gian bỡ ngỡ, học hỏi ban đầu, hay khả năng giao tiếp tiếng Anh giúp bạn không gặp khó khăn khi gặp gỡ đối tác nước ngoài chẳng hạn. Và hãy nhớ trả lời thật rõ ràng, logic để cuối cùng nhà tuyển dụng có thể nắm rõ được bạn đang muốn nói với họ bao nhiêu ý nhé.
Tìm hiểu về công ty trước khi tham gia phỏng vấn
Từ kinh nghiệm mình thấy, những ứng viên thành công là những người dành thời gian tìm hiểu rất kỹ về công ty trước khi tham gia buổi phỏng vấn. Tìm hiểu ở đây không có nghĩa là bạn biết qua qua về công ty rồi thôi. Trung Nguyên bán cà phê, Vinamilk bán sữa, Vingroup bán bất động sản là chưa đủ để bạn thuyết phục một nhà tuyển dụng. Nơi đầu tiên bạn có thể tìm kiếm thông tin về công ty là trên website của công ty đó. Đừng chỉ dừng ở homepage, hãy săm soi mọi thứ có thể. Mission, vision của công ty đó là gì, ai là người sáng lập, cấu trúc công ty ra sao, đối tác là ai, địa chỉ ở đâu, có bao nhiêu cơ sở, sản phẩm là gì, sản phầm gì mới, vân vân. Ngoài những thông tin nội bộ bạn có thể tìm trên website, hãy google tên công ty hoặc sản phẩm công ty một lần nữa để tìm hiểu về những khía cạnh bên ngoài. Đối thủ của công ty đó là ai? Sản phẩm nào đang hot trên thị trường? Liệu có scandal nào đang ảnh hưởng tới công ty không?
Việc chúng mình chuẩn bị kĩ càng thông tin về công ty sẽ giúp tự tin hơn khi phỏng vấn cùng nhà tuyển dụng và qua đó, nhà tuyển dụng cũng thấy rằng bạn thực sự đang rất quan tâm và dành nhiều thời gian để tìm hiểu cho vị trí này. Việc bạn biết nhiều thông tin về công ty cũng giúp bạn chuẩn bị được các câu hỏi để hỏi lại nhà tuyển dụng, hãy để buổi phỏng vấn như một buổi trò chuyện, đừng biến nó thành một buổi hỏi cung nhé.
Mục tiêu cuối cùng của bạn là gì?
Trước khi tham gia một buổi phỏng vấn nào, bạn hãy chắc chắn mình đã chuẩn bị kĩ vấn đề này, 5 năm nữa bạn thấy mình đang ở đâu, 10 năm nữa bạn thấy mình đang làm gì? Hay nói cách khác, mục tiêu nghề nghiệp của bạn như thế nào?
Tuy nhiên đừng ‘sáo rỗng’ với những câu trả lời như “5 năm nữa em muốn làm manager”, “10 năm nữa em muốn có việc lương 10,000$” hay chung chung nữa như “em muốn được đóng góp cho công ty”. Nhà tuyển dụng muốn thấy cách bạn xây dựng một lộ trình để đạt được mục tiêu đó, hơn là nghe mục tiêu của bạn. Với những mục tiêu như vậy, công việc hiện tại bạn đang ứng tuyển sẽ giúp gì được bạn? Trong vòng vài năm tới bạn dự định học gì, cải thiện kĩ năng gì? Nhà tuyển dụng muốn thấy ở bạn một con người không ngừng học hỏi, không ngừng vươn lên để phát triển trong sự nghiệp.
Đôi khi ứng viên được chọn lại không phải là người giỏi nhất về bằng cấp hay có nhiều năm kinh nghiệm – mà chỉ đơn giản là người đó đủ khả năng làm việc và phù hợp với môi trường công ty mà thôi.
Leave a Reply