Bí quyết thuyết phục nhà tuyển dụng chọn mình
“Em rất tỉ mỉ trong công việc, có kiến thức tốt về tài chính. Tuy Marketing là ngành sáng tạo nhưng em tin rằng đây cũng là những yếu tố rất quan trọng để một người làm Marketing tốt, đặc biệt trong phần nghiên cứu khách hàng chẳng hạn.” Trời ơi tuyệt vời 10 điểm luôn.
Mới ra trường, kinh nghiệm chưa có nhiều, làm thế nào để có cơ hội ở những công việc cao hơn một chút, không phải là intern? Giữa một rừng các ứng viên khác nhau, lý do gì có thể khiến cho nhà tuyển dụng quyết định loại đi những ứng viên giỏi chuyên môn hơn để chọn mình, một thằng sinh viên mới ra trường kinh nghiệm không bằng những người kia nhỉ. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ cho các bạn 1) ít kinh nghiệm và 2) ứng tuyển trái ngành một số tips giúp các bạn làm nổi bật mình hơn khi đi ứng tuyển cho những công việc đòi hỏi kinh nghiệm hơn vượt quá những gì bạn đang có một xíu.
Lưu ý: Tips chỉ giúp các bạn nổi bật hơn, tốt hơn chứ không thể đảm bảo 100% nộp đâu trúng đó đâu nha. Thật ra chẳng có bài viết nào có thể đảm bảo cho bạn 100% nộp đâu trúng đó được cả. Trừ khi bạn là Bill Gates chăng?
1. Thiếu kinh nghiệm cũng không sao đâu, nhưng đừng xoáy sâu vào nó
Hôm trước mình tuyển vị trí Chăm sóc khách hàng cho Trung tâm UNESCO CIC (nơi mình đang làm việc). Một hôm có một bạn gọi tới, mình vừa nhấc máy bạn nói ngay: “Em chào anh ạ, em là sinh viên mới tốt nghiệp, em muốn hỏi về….”. Ok, với một vị trí mình đang tuyển là full-time, khi nghe bạn nói câu “em là sinh viên mới tốt nghiệp” là mình đã không ấn tượng ngay rồi. Đương nhiên vị trí này vẫn mở ra cho các bạn ít kinh nghiệm nhưng có kĩ năng và kiến thức cần thiết, nhưng điều đó không có nghĩa là lúc gửi đơn ứng tuyển bạn cứ nói toẹt ra là mình chưa có kinh nghiệm gì.
Tương tự khi đọc Cover Letter, có rất nhiều chỗ mình thấy không hay mà các bạn hay viết vào. Ví dụ như “Tuy chưa có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này, nhưng ….” hay “Điểm yếu của em là ….”. Các bạn nhớ nè, CV và Cover Letter hay bất kì giấy tờ gì khác khi đi ứng tuyển là nơi để bạn “marketing bản thân”, bán mình cho nhà tuyển dụng. Mà đã bán hàng là phải tốt khoe xấu che đúng không. Làm gì có ai bán trà sữa mà nói với khách là “Tuy trà sữa bên mình không có ngon lắm, nhưng….”. Nghe đến đó là khách đã chẳng muốn đọc tiếp nữa rồi.
Vậy nên khi đi tìm việc, mình không khuyến khích các bạn nói dối hay chém gió thông tin, nhưng phải biết chọn lọc cái gì tốt cho bản thân để đưa vào CV và Cover Letter cũng như khi đi phỏng vấn. Thay vì nói về điểm yếu của mình, những gì mà mình chưa có, hãy chọn ra một khía cạnh khác mà mình mạnh hơn các ứng viên khác, hoặc mình đang có chẳng hạn. Ví dụ bạn học “Kế toán” nhưng muốn ứng tuyển “Marketing”? Thay vì bảo “Tuy em chưa làm marketing bao giờ nhưng…” hãy nói kiểu “Em rất tỉ mỉ trong công việc, có kiến thức tốt về tài chính. Tuy Marketing là ngành sáng tạo nhưng em tin rằng đây cũng là những yếu tố rất quan trọng để một người làm Marketing tốt, đặc biệt trong phần nghiên cứu khách hàng chẳng hạn.” Trời ơi tuyệt vời 10 điểm luôn.
Kiểu gì bạn cũng có kĩ năng nào đó liên quan đến công việc
Nếu bạn cứ cãi rằng mình chả có kĩ năng gì đâu, mình thề mình hứa – thì xin thông báo luôn, bạn đã 100% trượt rồi. Kể cả bạn không có những kĩ năng chuyên môn của công việc đó, bạn vẫn có thể có những kĩ năng khác, mà người ta hay gọi là “Transferable skills” đó.
“Transferable skills” là những kĩ năng mềm mà bạn có được thông qua việc học này, việc chơi này, việc hoạt động nhóm này. Ví dụ bạn có kĩ năng leadership thông qua việc làm đội trưởng đội bóng đá, bạn có teamwork nhờ làm nhóm ở trường đại học, bạn có kĩ năng lập kế hoạch nhờ việc bạn tự lên kế hoạch đi Thái 5 ngày 4 đêm mà không cần trợ giúp chẳng hạn. Tất cả những cái này đều được tính là kĩ năng hết.
Vậy lấy tiếp ví dụ ở trên, nếu bạn học Kế toán mà ứng tuyển vị trí Marketing, có thể bạn chưa làm công việc Marketing bao giờ, cũng không nhiều kiến thức chuyên môn lắm, thì bạn phải xem xem trong phần mô tả công việc nhà tuyển dụng đòi hỏi kĩ năng gì. Ví dụ “Kĩ năng sáng tạo” – bạn đã làm gì sáng tạo bao giờ chưa? “Kĩ năng lập kế hoạch” – bạn đã làm gì liên quan đến lập kế hoạch chưa? Như vậy bạn sẽ có một set các kĩ năng liên quan đến công việc đó và ghi vào CV của mình. Phải ghi Skills có chọn lọc thì CV của bạn mới có cơ hội được nhòm ngó cao hơn.
Ngoài ra, nếu bạn đã đi làm vài năm ở một lĩnh vực, sau đó nhảy sang một ngành khác thì sao? Đồng ý là bạn sẽ yếu thế hơn các ứng viên khác ở mặt kinh nghiệm trong ngành, nhưng đừng nói về cái đó, hãy nói về những gì mà bạn hơn họ. Bạn hơn họ ở kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực khác, chọn lọc xem trong lĩnh vực đó có kĩ năng gì mà liên quan đến công việc bạn ứng tuyển và đưa ra. Ví dụ khi mình ứng tuyển cho vị trí Sales của trung tâm tiếng Anh, mình chưa có kinh nghiệm gì làm Sales cả, nhưng mình từng làm Marketing rồi nên cũng có phần nào liên quan đến công việc.
Phải liều phải sáng tạo
Để bạn nổi bật hơn các ứng viên khác siêu hơn, nhiều kinh nghiệm hơn thì bạn bắt buộc phải sáng tạo, phải liều hơn ứng viên khác. (Sợ gì, bạn có gì để mất đâu, mất có tí thời gian thôi mà.)
Ví dụ một số mẫu CV sáng tạo nhé. Bạn có thể làm CV kiểu 3D như anh này, CV tương tác được kiểu như này, hoặc CV kiểu infographic chẳng hạn.
Những mẫu CV này chắc chắn sẽ gây ấn tượng đầu tiên với nhà tuyển dụng ngay (trong trường hợp bạn làm đẹp thật chứ không phải nửa vời). Khi nhà tuyển dụng chú ý rồi, điều quan trọng là phải làm thế nào cho nhà tuyển dụng chú ý đến nội dung bên trong mà bạn viết. Giống như cái bánh ga tô ấy, lớp kem và trang trí bên ngoài chỉ gây chú ý thôi, còn người mua có thích hay không phải tuỳ thuộc lớp bánh bên trong có ngon không đã.
Ngoài việc sáng tạo trong CV, nếu bạn không sáng tạo lắm thì có thể có một giải pháp khác. Ví dụ bạn có thể viết hẳn một bản Plan giải quyết vấn đề của công ty, từng bước từng bước một, timeline ra sao, budget như thế nào, chắc chắn là gây ấn tượng ngay đấy. Cá nhân mình từng làm một lần như thế này rồi ^^
Đừng bỏ qua những việc nhỏ nhặt khi đi ứng tuyển
Mình thấy có nhiều bạn chỉ đầu tư sao cho viết CV thật hay, sao cho nói tiếng Anh thật chuẩn khi đi phỏng vấn mà quên đi mất các bước lịch sự, những bước nhỏ nhỏ khi đi tìm việc. Ví dụ như viết CV đừng sai lỗi chính tả nhé, email thì nên có avatar và chữ kí đầy đủ, đi phỏng vấn về thì phải gửi thư cảm ơn, vân vân.
Đây chỉ là những điều nhỏ thôi, nhưng rất nhiều bạn không để ý. Chỉ cần bạn thực hiện đúng và đủ, biết đâu cũng đã khác biệt với các ứng viên khác rồi.
Mục đích của CV và Cover Letter là giúp mình được vào phỏng vấn. Mình hi vọng các tips trên sẽ giúp cho CV và Cover Letter của bạn có thể tốt hơn phần nào, tăng tỉ lệ được gọi phỏng vấn cho bạn nhiều hơn. Ngoài ra, đừng quên đầu tư học hỏi thêm kiến thức mới mỗi ngày nhé.
Leave a Reply